TIN TỨC BỆNH VIỆN

Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân suy thận mãn
[ Cập nhật vào ngày (20/02/2020) ]

Nhiều máy lọc thận được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đưa vào hoạt động, đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài sự sống cho bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối.


Các bệnh nhân được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, chạy thận nhân tạo được triển khai từ cuối năm 2007, tuy nhiên thời điểm ấy chỉ có 4 máy nên không đủ phục vụ nhu cầu người bệnh. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của ngành y tế, việc vận động xã hội hóa nơi bệnh viện đã giúp số máy lọc thận tăng lên theo từng năm, đến nay là 19 máy, góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận.

Theo thông tin từ Khoa Nội tiết - Nội thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhân chạy thận thường xuyên ở bệnh viện khoảng 70 người. Mỗi bệnh nhân thường lọc thận 3 lần/tuần. Thông thường là 3 cas/máy/ngày, nếu bệnh đông thì 4 cas/máy/ngày (thời gian kéo dài từ 5 giờ 30 đến hơn 22 giờ mỗi ngày). Do đó, các nhân viên y tế luôn có mặt tại khoa khá sớm để vận hành thiết bị, thực hiện những khâu cần thiết, chuẩn bị kỹ càng trong tiếp đón và điều trị bệnh nhân. Bà Châu Thị Rạng, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho biết: “Mỗi lần chạy thận xong tôi thấy sức khỏe ổn định. Tôi rất vui vì sự quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, khi người bệnh có yêu cầu gì đều kịp thời xử trí. Bác sĩ còn tư vấn cho tôi chế độ ăn uống, ngủ nghỉ thế nào để nâng cao hiệu quả điều trị và giữ gìn sức khỏe”. Dù bị suy thận hơn 7 năm, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình nên bà Rạng không đi chạy thận. Hơn nửa năm nay, khi bệnh diễn tiến xấu, bà bắt đầu đến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào các ngày thứ ba, năm, bảy hàng tuần, thay vì đi thành phố Cần Thơ như nhiều năm trước, nên tiết kiệm được nhiều chi phí.

Do trang thiết bị đảm bảo nhu cầu phục vụ, nên các bác sĩ tại khoa đã thực hiện được lịch hẹn lọc thận cố định, thuận tiện hơn cho người bệnh và người nhà chăm sóc, khi sắp xếp thời gian đi lại, công việc. Bà Phan Thị Nhị, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Mấy bác sĩ ở đây ai cũng hướng dẫn tôi nhỏ nhẹ, mềm mỏng. Bản thân tôi nhờ chạy thận hơn 1 năm qua mà ăn được, ngủ được, sức khỏe tốt hơn. Y, bác sĩ túc trực hỗ trợ bệnh nhân 24/24 giờ nên tôi thấy rất an tâm”.

Các cán bộ y tế phụ trách trực tiếp việc chạy thận nhân tạo của Khoa Nội tiết - Nội thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, luôn trui rèn bản lĩnh để xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, đánh giá tình trạng bệnh để hỗ trợ đúng lúc… Vì vậy, tạo cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu, thích nghi và sự hài lòng. Tuy phải gánh trên vai một trách nhiệm khá nặng nề nhưng các cán bộ y tế luôn xem đó là việc cần làm, góp phần chia sẻ những gánh nặng cho người bệnh.

Ông Trang Ngọc Ngoán, Trưởng khoa Nội tiết - Nội thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bộc bạch: “Ngoài tiến hành lọc thận thường xuyên, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn đảm bảo, tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, giữ một tinh thần thoải mái mới mang về hiệu quả cao. Cán bộ tại khoa luôn quan tâm nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn nhằm hạn chế tối đa những rủi ro cho bệnh nhân, tạo sự tin tưởng”. Thời gian qua, bệnh viện còn tranh thủ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ 500.000 đồng/suất/tháng cho hàng chục bệnh nhân đang lọc thận có hoàn cảnh khó khăn. Tuy món quà này không mang nặng giá trị vật chất nhưng là liệu pháp tinh thần hiệu quả để người bệnh cảm thấy ấm lòng.

Thực tế, khi các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai máy chạy thận nhân tạo sẽ là điều kiện để bệnh nhân điều trị gần nhà; góp phần giảm chi phí cho người bệnh; giảm tải bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm thời gian,... Riêng các y, bác sĩ được học hỏi, làm chủ thêm những kỹ thuật mới cần thiết, nâng cao trình độ chuyên môn. Ông Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tranh thủ mọi nguồn lực để đưa vào vận hành hiệu quả các máy lọc thận. Điều quan trọng là giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay từ tuyến dưới, tiết kiệm chi phí, thời gian, sống vui, sống khỏe”.

Hậu Giang hiện có 3 cơ sở y tế thực hiện chạy thận nhân tạo là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ và Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy. Việc đưa phương pháp chạy thận nhân tạo vào trung tâm y tế tuyến huyện là quyết tâm lớn của ngành y tế Hậu Giang những năm qua. Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu của y học hiện đại vào công tác điều trị. Trang thiết bị chạy thận nhân tạo đầy đủ, cán bộ y tế nhiệt tình, tận tâm đã giúp những bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối được chăm sóc sức khỏe tốt và nối dài thêm sự sống.




Hồng Nhung Theo Báo Hậu Giang

  In bài viết



tin mới


Đơn vị trực thuộc

LIÊN KẾT

This website strongly recommends: https://www.iapac.to replica rolex
Giải Nobel Y học