TIN TỨC BỆNH VIỆN

CẤP CỨU THÀNH CÔNG CA NGẠT NƯỚC NGUY HIỂM
[ Cập nhật vào ngày (16/04/2021) ]

Bs.CKII Nguyễn Văn Vũ - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK tỉnh Hậu Giang thông tin: Khoa vừa cấp cứu thành công 01 bệnh nhân bị tai nạn giao thông đường thủy, chấn thương sọ não, ngạt nước suy hô hấp nguy kịch.


17 giờ 25 phút, ngày 14/4/2021, Khoa Cấp cứu tổng hợp, BVĐK tỉnh Hậu Giang tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị T. 59 tuổi (địa chỉ ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, phù nề vùng thái dương (T).

Qua thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi hít/ARDS/tăng huyết áp/vết thương vùng đầu # 30mm sau tai nạn giao thông đường thủy. Sau khi đặt nội khí quản bóp bóng và xử trí vết thương vùng đầu cho bệnh nhân, điều dưỡng Khoa CCTH đã chuyển bệnh nhân lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) của bệnh viện để điều trị.




Bệnh nhân Trần Thị T. khi mới đưa lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc điều trị


Tại buồng bệnh cấp cứu của ICU bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thở máy liên tục, theo dõi oxy máu động mạch liên tục. Đến sáng ngày 15/4/2021, tình trạng bệnh nhân đã có tiến triển tốt, PaO2 từ 50 lên 100mmHg, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, được rút nội khí quản và tiếp tục theo dõi và điều trị đến khi bình phục hẳn.




Bệnh nhân Trần Thị T. sau một ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc

 

Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhân bị tai nạn giao thông khi đang di chuyển bằng xuồng trên sông. Khi được người dân truy hô và vớt lên bờ bệnh nhân đã ngưng thở, phù nề vùng thái dương, toàn thân tím tái… Một người dân có mặt tại hiện trường đã nhanh trí sơ cứu, tiến hành hô hấp nhân tạo, ấn tim cho bệnh nhân tại hiện trường và thực hiện các thao tác này liên tục trên đường đưa bệnh nhân đến BVĐK tỉnh. Chính việc sơ cứu kịp thời và đúng cách đã giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch trước khi đến cơ sở y tế.




Bệnh nhân Trần Thị T. có thể tự ngồi dậy và sinh hoạt cá nhân, sức khỏe đã ổn định

 

Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, từ trẻ em, thiếu niên đến cả người lớn. Tỷ lệ tử vong do hậu quả của ngạt nước thường cao do không được cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu chưa đúng quy cách. Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân.

“Khi cấp cứu bệnh nhân bị ngạt nước, việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước, nếu bệnh nhân ngưng thở phải nhanh chóng thổi ngạt, trường hợp bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần thổi ngạt và ấn tim ngay tại hiện trường. Mọi thao tác sơ cứu cần khẩn trương, hợp lý, kiên trì và phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người tham gia sơ cứu nạn nhân cũng như các nhóm cấp cứu từ tuyến địa phương đến tuyến cao hơn”, Bs.CKII Nguyễn Văn Vũ - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK tỉnh Hậu Giang thông tin thêm./.




Minh Quân

  In bài viết



tin mới


Đơn vị trực thuộc

LIÊN KẾT

This website strongly recommends: https://www.iapac.to replica rolex
Giải Nobel Y học