TIN TỨC Y TẾ

Chuyện về những chiến sĩ blouse trắng
[ Cập nhật vào ngày (30/01/2020) ]

Đã chọn gắn bó với nghề y, đồng nghĩa người thầy thuốc phải xem bệnh nhân như người nhà, cứu chữa bằng cả cái tâm và trách nhiệm. Trách nhiệm của người chiến sĩ trong chiếc áo blouse trắng là chiến đấu trên mặt trận giữa sự sống - cái chết.


Mùa xuân mới lại về mang theo nhiều ước mơ và hy vọng cho những khởi đầu mới. Lúc ấy, người ta lại nhớ về một thời đã qua, đầy khó khăn, vất vả, lắm thăng trầm để có những bước trưởng thành, trong đó phải kể đến sự phát triển của đội ngũ nhân lực y tế tỉnh nhà.

Thầy thuốc ưu tú Huỳnh Thành Chiến (thứ 4 từ trái qua) trưởng thành từ những năm tháng khói lửa.

Vùng ký ức của vị bác sĩ già

Cận kề ngày xuân, tiết trời dường như se lạnh, dòng người cứ hối hả ngược xuôi, chuẩn bị trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Nhưng ở các cơ sở y tế, đội ngũ y, bác sĩ vẫn miệt mài, tranh thủ từng phút, từng giây giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ngoài trời bỗng lất phất hạt sương mai, dễ làm cho mắt người ta nhòe đi và rồi với thầy thuốc ưu tú Huỳnh Thành Chiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang (giai đoạn 2004-2011), một vùng ký ức xa xôi chợt ùa về. Ông Chiến tâm sự: “Nhìn các em, các cháu có điều kiện học tập, phát triển năng lực như hiện tại, tôi rất mừng. Tôi nhớ những năm 2004, lúc ấy cả Hậu Giang chẳng có BSCKII, BSCKI thì đếm trên đầu ngón tay, mà đa phần là bác sĩ và trung học. Bản thân tôi cũng miệt mài lắm, mãi đến năm 2009 mới hoàn thành BSCKII”.

Gắn bó và công tác trong ngành y từ những năm 1972, trải qua năm tháng khói lửa chiến tranh đã khiến ông Chiến càng thấm thía sự thiếu thốn của ngành y tế thời bấy giờ. Đôi lúc, cán bộ y tế phải dùng nước dừa truyền thay dịch truyền nước biển; băng gạc được hấp đi hấp lại nhiều lần để sử dụng… Đã qua rồi những tháng ngày gian khổ ấy, nguồn nhân lực và điều kiện y tế Hậu Giang đang dần hoàn thiện. Những năm đầu mới chia tách tỉnh, trang thiết bị, nguồn nhân lực hạn chế từ số lượng đến chất lượng. Chỉ một vài địa phương (bệnh viện tuyến huyện) có máy siêu âm trắng đen thì nay được nâng cấp, đầu tư hoàn thiện đến tận cơ sở, nên nhiều trạm y tế tiếp nhận cả máy siêu âm, máy đo điện tim… Có gian lao, vất vả lại khiến người ta càng thấm thía và thêm trân quý hơn hiện tại.

Chất lượng đội ngũ y tế tỉnh nhà ngày càng được nâng lên.

Tin ở thế hệ kế thừa

Nguồn nhân lực y tế Hậu Giang đang có những bước khẳng định trong chất lượng, báo hiệu sự vươn tầm. Các bậc tiền bối cảm thấy an tâm với thế hệ kế thừa giàu năng lực và trách nhiệm. BSCKII. Huỳnh Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy từ năm 2008 đến nay, người đã góp phần vào sự phát triển của trung tâm như hiện tại. Ông Huân chia sẻ: “Tôi gắn bó với ngành y hơn 20 năm, thời đó, điều kiện học tập khó khăn lắm. Nhưng do đam mê chiếc áo blouse trắng, mong muốn chăm sóc sức khỏe người dân, đã trở thành động lực để tôi phấn đấu. Tại trung tâm, ban giám đốc luôn tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, quan tâm triển khai nhiều kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân”.

Với vai trò là một người thầy thuốc, lại đảm trách công tác quản lý, trách nhiệm của ông Huân càng nặng thêm bội phần. Tạo được niềm tin và sự hài lòng từ người dân khi đến thăm, khám là điều mà ông xem như kim chỉ nam trong hoạt động, phát triển của trung tâm. Nếu năm 2005, nơi đây chỉ là bệnh viện hạng 3 với quy mô 135 giường, 3 phòng, 8 khoa, đến năm 2011 đã vươn lên bệnh viện hạng 2. Trung tâm hiện có quy mô 370 giường bệnh, 5 phòng chuyên môn và 17 khoa, mỗi ngày thu hút hơn 1.000 lượt khám, chữa bệnh.

Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy hay nhiều đơn vị khác luôn xác định công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho y, bác sĩ là điều cần thiết. Đây là những viên ngọc quý cần được tạo cơ hội để tỏa sáng, góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày một tốt hơn. BSCKI. Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, 37 tuổi, bộc bạch: “Về công tác tại trung tâm hơn 3 năm, tôi được ban giám đốc tạo điều kiện học tiếp lên chuyên khoa cấp I. Do được trau dồi một số kỹ thuật như siêu âm, điện tim… từ trước thông qua các lớp tập huấn, nên giúp bản thân rất thuận lợi trong việc học chuyên sâu. Sở Y tế và trung tâm còn có những chế độ đãi ngộ phù hợp, giúp các y, bác sĩ ấm lòng, an tâm công tác”.

Thế hệ y, bác sĩ trẻ đang ngày càng nỗ lực để hoàn thiện y đức lẫn y thuật, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ. Các cơ sở y tế cũng tận dụng nguồn lực sẵn có hoặc từ xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tạo thành bước tiến để y tế Hậu Giang nâng cao chất lượng, sự hài lòng và tin tưởng nơi bệnh nhân.

BSCKI. Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Thêm hương xuân mới

Là một vùng trũng của đồng bằng, nhờ sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo đã mang đến một làn gió đầy tươi mới, vươn tầm mạnh mẽ cho y tế Hậu Giang. Các cán bộ y tế luôn không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi y đức, tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn còn khá khan hiếm. Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện từ đầu tư cơ sở vật chất đến việc bồi dưỡng, phát triển nhân lực. Việc đào tạo nhân lực y tế theo địa chỉ sử dụng là giải pháp khá khả thi trong điều kiện thực tế hiện nay, đặc biệt ở các chuyên ngành hiếm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, cho biết: “Tỉnh luôn quan tâm để thu hút nguồn nhân lực, nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, điều trị. Chúng tôi chú trọng đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn trước mắt về nguồn nhân lực. Hy vọng, y tế Hậu Giang sẽ có một bước chuyển vượt bậc trong mùa xuân mới”.

Khi nguồn nhân lực được nâng tầm chuyên môn sẽ giúp dễ dàng trong việc triển khai các kỹ thuật mới, để bệnh nhân tiếp cận nhiều dịch vụ hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả điều trị. Đồng quan điểm trên, thầy thuốc ưu tú, BSCKII. Huỳnh Thành Chiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, chia sẻ thêm: “Tỉnh cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, triển khai việc thu hút nhân tài, tránh tình trạng chảy máu chất xám. Cán bộ y tế cũng nên phát huy việc đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tận tình, dặn dò chu đáo để tạo sự uy tín, lòng tin tưởng nơi người dân. Chúng ta cần thể hiện mình là một cán bộ y tế vừa có tài, vừa có đức”.

Những người làm công tác y tế tỉnh nhà luôn từng ngày nỗ lực để hướng tới sự hài lòng của người bệnh, bằng việc cải tiến trong phong cách, thái độ phục vụ đến nâng cao chất lượng điều trị. Được nhìn thấy người bệnh hồi phục, trở về đón năm mới bên gia đình, đối với những y, bác sĩ đó là niềm vui, động lực để tiếp thêm sức mạnh làm tốt nhiệm vụ, cho mỗi mùa xuân càng thêm trọn vẹn.

Nhân lực tăng mạnh

 

- Năm 2004, nhân lực y tế toàn tỉnh chỉ có 1.216 người, với 210 bác sĩ (53 bác sĩ chuyên khoa); tỷ lệ bác sĩ/vạn dân 2,71; dược sĩ/vạn dân là 0,1; số trạm y tế có bác sĩ chiếm khoảng 19%. Sau thời gian nỗ lực trong công tác đào tạo, thu hút tài năng, nguồn nhân lực y tế Hậu Giang hiện có 2.946 biên chế (không kể hợp đồng). Trong đó, có 1 phó giáo sư - tiến sĩ, 24 thạc sĩ, 55 chuyên khoa cấp 2, 201 chuyên khoa cấp 1, 522 bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,9. Số giường bệnh/10.000 dân đạt 29,27 giường. Trên 88% trạm y tế có bác sĩ làm việc thường xuyên. Trong 15 năm, ngành đã đào tạo trên 5.000 lượt cán bộ y tế, với gần 800 bác sĩ, trên 400 cán bộ sau đại học...

 

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chia sẻ: “Việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng là thực sự cần thiết, góp phần giải quyết vấn đề vùng trũng trên lĩnh vực y tế của Hậu Giang. Nhờ đó, chất lượng nguồn lực y tế tỉnh nhà được nâng lên rõ rệt, xử lý kịp thời và đúng lúc trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng chất lượng, hiệu quả”.




Hồng Nhung Theo Báo Hậu Giang

  In bài viết



tin mới


Đơn vị trực thuộc

LIÊN KẾT

This website strongly recommends: https://www.iapac.to replica rolex
Giải Nobel Y học