- Phản ứng nhanh (trong vòng 1 giờ sau khi đưa thuốc) bao gồm mề đay, phù mạch, nặng hơn là phù thanh quản, hạ huyết áp và thậm chí tử vong.
- Phản ứng chậm xảy ra từ 1 giờ đến 1 tuần sau khi sử dụng thuốc và thường có biểu hiện chủ yếu ở da.
1. Phân loại thuốc cản quang ( TCQ ) chứa iod theo đặc tính lý hóa:
2. Số lượng và tỷ lệ báo cáo ADR về phản vệ của nhóm thuốc cản quang iod ( giai đoạn 2015 – 2019 ) :
Tỷ lệ ghi nhận và tín hiệu phản vệ liên quan đến các thuốc cản quang iod trong Cơ sở dữ liệu về Cảnh giác Dược tại Việt Nam và dữ liệu cập nhật trên thế giới
- Cơ sở dữ liệu báo cáo ADR của Trung tâm DI & ADR Quốc gia từ năm 2015 đến năm 2019 đã ghi nhận 468 báo cáo phản vệ từ độ II trở lên. Hình 2 biểu diễn số lượng báo cáo phản vệ liên quan đến các thuốc cản quang iod theo từng năm cho thấy có sự tăng dần kể từ năm 2018. Tỷ lệ phản vệ trên tổng số báo cáo ADR của từng năm dao động trong khoảng từ 23,7% đến 47,2%. Có thể thấy, phản vệ có liên quan đến 6 trong số 8 hoạt chất thuộc nhóm thuốc cản quang chứa iod, với iobitridol chiếm số lượng nhiều nhất (235 báo cáo), tiếp đến là iohexol (102 báo cáo) và iopromid (96 báo cáo).
- Trong giai đoạn này, tín hiệu phản vệ đã được đánh giá thông qua chỉ số ROR, trong đó, tín hiệu được coi là hình thành nếu cận dưới khoảng tin cậy 95% của ROR > 1. Kết quả cho thấy so với các thuốc nói chung trong cơ sở dữ liệu, có tín hiệu hình thành đối với nhóm cản quang chứa iod với ROR = 3,34 [2,97 - 3,76]. Số lượng báo cáo phản vệ cụ thể và sự hình thành tín hiệu phản vệ của từng hoạt chất cản quang iod so với các thuốc khác trong dữ liệu chung và giữa các thuốc cản quang với nhau được trình bày cụ thể trong bảng 2.
- Trong khi đó, Cơ sở dữ liệu phản ứng có hại của Tổ chức Y tế Thế giới (Vigibase) cũng đã ghi nhận về các hoạt chất cản quang iod tương ứng. Trong đó, khả năng gây ra phản ứng phản vệ/sốc phản vệ của hầu hết thuốc cản quang iod so với các thuốc khác có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (khi giá trị cận dưới của khoảng tin cậy 95% là IC025 > 0) (Bảng 3).
3. Đặc điểm chính về phản vệ liên quan đến các thuốc cản quang iod ghi nhận tại Việt Nam
- Trong tổng số 468 báo cáo ADR phản vệ liên quan đến thuốc cản quang iod ghi nhận trong giai đoạn 2015-2019:
- Phản vệ từ độ III xuất hiện tương đối phổ biến, với tỷ lệ các loại phản vệ độ II, độ III và độ IV tương ứng lần lượt là 48,5%, 49,1% và 2,4%;
- Phản vệ được ghi nhận chủ yếu với các biểu hiện tim mạch (75,0%) và hô hấp (70,7%), trong khi biểu hiện trên da và niêm mạc chỉ chiếm 43,4%. Ngoài các biểu hiện đặc trưng của phản vệ, có 47,2% trường hợp xuất hiện kèm những biểu hiện rối loạn toàn thân như rét run, vã mồ hôi, sốt cao, co cứng cơ, đau đầu, chóng mặt;
- Phản vệ thường xảy ra rất nhanh sau khi dùng thuốc: 63,6% số trường hợp có thời gian xuất hiện dưới 10 phút; 24,6% trường hợp khác cũng diễn biến trong vòng 1 giờ sau tiêm;
- Khoảng 80% số trường hợp phản vệ được ghi nhận với hậu quả ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau, đặc biệt có 9 (1,9%) trường hợp tử vong; Adrenalin - lựa chọn đầu tay được khuyến cáo trong xử trí phản vệ chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn (59,8%). Những biện pháp xử trí khác cũng được sử dụng phối hợp bao gồm: corticosteroid (63,9%), kháng histamin H1 (37,8%), truyền dịch (32,0%) và một số biện pháp hồi sức cơ bản khác (28,1%).
4. Các yếu tố nguy cơ có thể gây phản ứng tương tự dị ứng với thuốc cản quang:
-Trên từng bệnh nhân, nhìn chung các ADR do thuốc cản quang rất khó dự đoán trước. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ dẫn đến tỷ lệ xảy ra ADR cao hơn trên một số quần thể bệnh nhân nhất định đã được xác định.
STT
|
Yếu tố nguy cơ
|
1
|
Phản ứng với thuốc cản quang trước đó
|
2
|
Tiền sử dị ứng
|
3
|
Bệnh tim mạch
|
4
|
Mất nước
|
5
|
Bệnh thận
|
6
|
Tuổi: trẻ sơ sinh/người cao tuổi
|
7
|
Bệnh về huyết học/chuyển hóa (ví dụ: hồng cầu hình liềm…)
|
8
|
Lo âu/trầm cảm
|
9
|
Thuốc: thuốc chẹn beta, interleukin-2, aspirin hay NSAIDs
|
10
|
Mùa: thời kỳ dị ứng phấn hoa
|
5- Xử trí và dự phòng ADR do thuốc cản quang chứa iod gây ra:
- Thận trọng khi sử dụng thậm chí tránh sử dụng trên các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ có thể góp phần làm giảm phản ứng quá mẫn với thuốc cản quang.Hiện tại, có rất nhiều tranh cãi xung quanh lợi ích của việc sử dụng corticoid để dự phòng các phản ứng quá mẫn do thuốc cản quang.
- Việc xử trí kịp thời sốc phản vệ đóng vai trò rất quan trọng. Hiệp hội chẩn đoán hình ảnh niệu sinh dục Châu Âu (ESUR) đã có hướng dẫn xử trí cho các trường hợp phản ứng cấp tính với thuốc cản quang.
*Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã cập nhật phác đồ xử trí cấp cứu phản vệ (Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017) với các biện pháp cơ bản là ngừng dùng thuốc, cho bệnh nhân nằm tại chỗ, tiêm bắp adrenalin dung dịch 1/1000 và các thuốc chống dị ứng đặc hiệu khác; thở oxy, bù nước, chất điện giải (nếu cần).
6-Tổng kết:
- Trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây, các báo cáo ADR liên quan đến thuốc cản quang chứa iod, đặc biệt là các báo cáo nghiêm trọng có xu hướng tăng lên. Tín hiệu nguy cơ và mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc cản quang và phản ứng sốc phản vệ trên bệnh nhân đã được ghi nhận từ cơ sở dữ liệu của Việt Nam cũng như từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới.
- Trong khi hiệu quả của việc dự phòng các ADR do thuốc cản quang vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, cán bộ y tế cần chú ý khai thác tiền sử, thận trọng với các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng bộ cấp cứu sốc phản vệ cũng như kỹ năng xử trí sốc phản vệ trước khi sử dụng các thuốc này.
Hướng dẫn xử trí sốc phản vệ của ESUR năm 2018
|
1. Gọi nhóm hồi sức
|
2. Làm thông thoáng đường thở nếu cần thiết
|
3. Nâng cao chân bệnh nhân nếu bị tụt huyết áp
|
4. Thở oxy (6-10 L/phút)
|
5. Tiêm bắp adrenalin (epinephrine) [1:1000], 0,5ml (0,5mg) với người lớn, nhăc lại nếu cần. Đối với trẻ nhỏ từ 6 – 12 tuổi: 0,3 ml (0,3mg) tiêm bắp. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi: 0,15 ml (0,15mg) tiêm bắp
|
6. Truyền dung dịch tĩnh mạch (ví dụ: dung dịch muối sinh lý, dung dịch Ringer Lactat)
|
7. Thuốc kháng histamine H1 (ví dụ: tiêm tĩnh mạch diphenhydramin (Dimerol) 25- 50mg)
|