“NUÔI DÀI NGÓN TAY” PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ MẤT BÚP ĐẦU NGÓN TAY TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẬU GIANG
Mỏm cụt đầu ngón tay là một trong những tổn thương phổ biến, có rất nhiều phương pháp để điều trị từ đơn giản đến phức tạp như ghép da, vạt da tại chỗ, vạt da lân cận, khâu nối vi phẫu… Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm riêng, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cần dựa vào mức độ tổn thương và xem xét mong muốn, điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Trong đó điều trị bảo tồn bằng phương pháp liền sẹo tự nhiên hay gọi theo dân gian là “Nuôi dài ngón tay” được xem là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả và giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân.
Mỏm cụt đầu ngón tay là một trong những tổn thương phổ biến, có rất nhiều phương pháp để điều trị từ đơn giản đến phức tạp như ghép da, vạt da tại chỗ, vạt da lân cận, khâu nối vi phẫu… Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm riêng, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cần dựa vào mức độ tổn thương và xem xét mong muốn, điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Trong đó điều trị bảo tồn bằng phương pháp liền sẹo tự nhiên hay gọi theo dân gian là “Nuôi dài ngón tay” được xem là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả và giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân.
Vết thương đầu ngón tay là một thương tổn hay gặp, việc điều trị tùy thuộc vào mức độ tổn thương và điều kiện của cơ sở y tế. Các vết thương lộ xương, thậm chí chưa lộ xương, nhưng mất một phần móng, cũng chỉ định làm mỏm cụt. Với tổn thương đầu ngón tay thì phải sửa mỏm cụt, tức là làm ngắn xương để khâu da che phủ được. Giữ cho ngón tay sau khi bị tổn thương dài nhất, luôn là mong muốn của bác sĩ chấn thương chỉnh hình, cũng là mong mỏi của người bệnh
Bệnh nhân có vết thương đầu ngón tay do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, đa phần là công nhân, nông dân, những người có hoàn cảnh khó khăn, với mục tiêu tối ưu kết quả điều trị, đồng thời giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương đã lựa chọn phương pháp điều trị “Nuôi dài ngón tay” cho những trường hợp này.
Theo số liệu báo cáo, từ năm 2022 đến nay, Khoa Ngoại chấn thương - BVĐK tỉnh Hậu Giang đã tiếp nhận và điều trị thành công cho hơn 50 bệnh nhân với phương pháp “Nuôi dài ngón tay”. Sau khi thăm khám, kiểm tra vết thương và chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo quy trình sau: Trước tiên người bệnh sẽ được gây tê, sau đó thực hiện cắt lọc và xử lý vết thương. Thực hiện quy trình thay băng bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 băng kín: (nuôi tổ chức hạt) khoảng 4 - 5 tuần; Giai đoạn 2 băng nửa hở: (biểu mô hoá) khoảng 1 - 2 tuần.
Tất cả các trường hợp điều trị vết thương lành rất tốt, che được xương, thời gian lành trung bình khoảng 4 - 6 tuần, không có biến dạng móng, tất cả bệnh nhân đều có cảm giác ở đầu ngón tay và hài lòng với kết quả điều trị.
Bs.CK1 Võ Quang Vinh, Phó trưởng khoa Ngoại Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cho biết: “Những ưu điểm đáng lưu ý của phương pháp này là: thẩm mỹ đẹp nhờ kỹ thuật nuôi tổ chức hạt phủ kín xương, giúp giữ được chiều dài tối đa của ngón tay; Giúp hục hồi cảm giác gần như bình thường, đa số các trường hợp phục hồi cảm giác trên 90%; không cần bất động lâu dài tránh được việc bị cứng khớp. Sau thời gian điều trị, ngón tay trở lại hình dạng ban đầu từ 80 - 100%”.
Ngoài ra, đây là phương pháp đơn giản, chi phí thấp, phương tiện chăm sóc thường có sẵn, có thể áp dụng an toàn cho bệnh nhân đái tháo đường, hút thuốc lá. Phương pháp này phù hợp cho tuyến y tế cơ sở vì tính đơn giản và phương tiện chăm sóc vết thương sẵn có.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân không được tự ý điều trị tại nhà, phải đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ điều trị kịp thời, đúng theo quy trình, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân./.
* Một số hình ảnh trước và sau khi điều trị