TIN TỨC Y TẾ

HÚT THUỐC LÀ VÀ NGUY CƠ BỆNH TẬT
[ Cập nhật vào ngày (09/04/2020) ]
BSCKII. Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh, trong một đợt tập huấn kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ y tế trường học trên địa bàn tỉnh năm 2019.
BSCKII. Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh, trong một đợt tập huấn kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ y tế trường học trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Thuốc lá gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nhiều người vẫn chưa bỏ hút thuốc. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BSCKII. Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Hậu Giang.


Xin bác sĩ cho biết những tác hại của hút thuốc lá đối với cơ thể con người ?

- Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khoảng 90% trong số 600.000 cas mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các cas bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số cas tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ hút thuốc lá cao.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc lao và nhiễm khuẩn hô hấp khác, vì khói thuốc đi trực tiếp vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc đường thở. Bình thường, niêm mạc có tác dụng bảo vệ phổi nhưng khi hút thuốc, niêm mạc bị teo đi, không còn khả năng bảo vệ, không còn khả năng gây bám dính vi khuẩn và đẩy vi khuẩn ra ngoài, vì thế làm tăng tiết nhầy và là môi trường cho vi khuẩn, vi-rút phát triển. Do vậy, ở những người hút thuốc, tỷ lệ mắc bệnh về hô hấp rất cao. Ngoài ra, hút thuốc còn gây các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản gây vô sinh, liệt dương và ảnh hưởng đến da, tóc, răng…

Còn với người hút thụ động thì ảnh hưởng ra sao, thưa bác sĩ ?

- Những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc do người khác hút (hút thuốc thụ động) cũng có nguy cơ mắc bệnh tương tự như người hút thuốc, thậm chí dòng khói ở đầu điếu thuốc đang cháy (dòng khói phụ) còn chứa chất độc cao gấp 21 lần so với dòng khói chính mà người hút thuốc trực tiếp đưa vào cơ thể. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày.

Người hút thuốc thụ động bị tăng 20-30% nguy cơ ung thư phổi và bệnh tim mạch. Người mẹ hít phải khói thuốc trong thời gian mang thai dễ bị sảy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai nhi, con sinh ra thường nhẹ cân, thiếu tháng, kém thông minh. Chưa kể, trẻ em hút thuốc thụ động tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp 1,2-1,5 lần và tăng nguy cơ bị hen phế quản.

Bác sĩ có thể nói nguyên nhân vì sao biết thuốc lá ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng nhiều người vẫn hút ?

- Nhiều người tuy được biết là hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn hút bởi vì họ chưa thật sự hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá; họ chưa đánh giá được giá trị của sức khỏe và cuộc sống và do tác động của bạn bè. Những nguyên nhân này chủ yếu ở những người trẻ. Những người này chưa thực sự tin rằng hút thuốc lá gây bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim… và ngay khi họ tin rồi họ cũng không hiểu sự khổ sở, sự đau đớn của người bị những bệnh tật này. Khi còn trẻ họ cũng biết rằng hút mỗi điếu thuốc có thể giảm thọ 5 phút nhưng với người trẻ, họ tin rằng quỹ thời gian của họ còn nhiều nên họ không hề đắn đo khi phung phí 5 phút cuộc sống.

Đối với những người trẻ, do áp lực của nhóm nên việc sợ nguy cơ bệnh tật mà không cùng tham gia hoạt động của nhóm có thể bị xem là “chảnh” với bạn bè. Và đó là các lý do tâm lý khiến người trẻ tham gia hút thuốc lá và sau khi hút rồi vẫn duy trì hút thuốc lá.

Đối với người trưởng thành hoặc có tuổi những nguyên nhân trên trở nên ít quan trọng hơn, nhất là khi đã có bệnh rồi. Tuy nhiên một lý do khiến những người này không bỏ thuốc lá được dù rất muốn do thuốc lá đã gây nghiện.

Vậy cụ thể thuốc lá gây nghiện như thế nào, thưa bác sĩ ?

- Những chất gây nghiện đều là những chất có thể tác động lên não của chúng ta. Chất nicotine có trong thuốc lá và khói thuốc lá sẽ tác động lên não người sử dụng thuốc lá, làm não tăng cường bài tiết chất Dopamine. Chất này, gây cảm giác sảng khoái và sung sướng cho người sử dụng. Dùng càng lâu, cảm giác sảng khoái và sung sướng do tự nhiên đem lại (như do ăn món ăn ngon, trò chuyện với bạn bè thân thiết, gặp người yêu, đạt được mục đích phấn đấu) càng giảm đi và khi đó cảm giác sảng khoái mà chúng ta có sẽ chủ yếu do thuốc lá gây ra. Và nếu cơ thể thiếu nicotine từ thuốc lá thì sẽ có cảm giác bứt rứt, khó chịu.

Người nghiện thuốc lá chính là nghiện nicotine. Họ có nhu cầu hút lại thuốc lá là để đưa nicotine vào cơ thể, để mang lại cảm giác sảng khoái cũng như tránh né cảm giác khó chịu khi ngừng hút thuốc lá. Do đó, dù biết rằng thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn hút.

Cần làm gì để cai thuốc lá thành công, thưa bác sĩ ?

- Cai thuốc rất dễ nhưng cũng rất khó, vì điều quan trọng nhất là quyết tâm của người cai. Để cai thuốc thành công thì cần 3 yếu tố: Hiểu biết, quyết tâm và hỗ trợ. Người hút phải hiểu biết về tác hại của thuốc lá, hiểu về các yếu tố bất lợi khi cai, cần sự hỗ trợ từ người nhà, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hỗ trợ của nhân viên y tế, cộng với quyết tâm cai của mình thì sẽ thành công.

Tuy nhiên, cai thuốc khó ở chỗ là quyết tâm hay không, vì người hút thường dễ bị dao động, có thể hôm nay quyết tâm rất lớn nhưng ngày mai họ gặp sự mời chào của bạn bè hoặc xuất hiện hội chứng cai thuốc thì quyết tâm của họ lại giảm đi.

Xin cảm ơn bác sĩ!




Bá Phát Theo Báo Hậu Giang

  In bài viết



tin mới


Đơn vị trực thuộc

LIÊN KẾT

This website strongly recommends: https://www.iapac.to replica rolex
Giải Nobel Y học